Mục lục
Viêm phổi là gì?
Tìm hiểu chung
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là nhiễm trùng cấp tính do nhiều loại vi sinh vật gây ra ở một thùy phổi phải hay trái hoặc toàn bộ phổi.
Phổi nhiễm bệnh làm tiết dịch và để lại các tế bào chết. Từ đó làm tắc nghẽn các túi khí nhỏ li ti trong phổi và làm giảm trao đổi oxy. Nếu không có đủ oxy, cơ thể không thể hoạt động bình thường. Viêm phổi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên viêm phổi thường xuất hiện nhiều hơn ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, những người có hệ miễn dịch yếu.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm phổi
Các dấu hiệu, triệu chứng thường gặp của bệnh viêm phổi bao gồm:
- Ho nặng;
- Sốt, ớn lạnh;
- Khó thở, đau ngực tăng khi bạn thở sâu hoặc ho;
- Đau đầu;
- Chán ăn;
- Mệt mỏi;
- Buồn nôn và ói mửa.
Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm phổi
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm phổi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm sau:
- Gây tràn dịch màng phổi.
- Tạo ra các khoang chứa mủ (áp-xe).
- Gây nguy hiểm tới tính mạng..
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Do bệnh có những biến chứng nguy hiểm, vì vậy hãy đến gặp bác sĩ khi thấy xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên như:
- Sốt dai dẳng kèm lạnh run;
- Đau ngực và khó thở;
- Ho có máu hoặc đờm từ phổi;
- Khó thở, thở nông, thở nhanh và hụt hơi.
Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến viêm phổi
Các nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi bao gồm:
Vi khuẩn: do vi khuẩn gây ra, tự phát triển hoặc sau khi bị cảm lạnh hoặc cúm nghiêm trọng.
Virus: có thể không nghiêm trọng và thường kéo dài trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, virus cúm có thể khiến viêm phổi trở nên nặng và gây tử vong. Phụ nữ mang thai hoặc bệnh nhân bị bệnh tim hay phổi nên cẩn thận với bệnh này.
Mycoplasma: có các đặc điểm chung của cả virus và vi khuẩn, gây ra các trường hợp viêm phổi nhẹ.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ mắc phải viêm phổi?
Bệnh viêm phổi có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, người trưởng thành, trẻ em và người bị bệnh mạn tính như COPD và hen suyễn có nguy cơ cao bị viêm phổi.
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Hút thuốc.
- Nhiễm trùng đường hô hấp – cảm lạnh, viêm thanh quản, cúm.
- Bệnh phổi mạn tính.
- Các bệnh nghiêm trọng khác như bệnh tim, xơ gan hoặc tiểu đường.
- Suyễn.
- Có hệ miễn dịch yếu kém.
- Bị HIV, ung thư.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm phổi
Viêm phổi khó phát hiện do có những triệu chứng dễ nhầm lẫn với cảm lạnh, cúm. Nhưng thông thường, khi bị viêm phổi, các triệu chứng sẽ kéo dài và nghiêm trọng hơn so với các bệnh khác. Để chẩn đoán viêm phổi, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm thông thường như:
- Khám thực thể, xem xét các triệu chứng mà người bệnh gặp phải.
- Hỏi về tiền sử bệnh lý, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Chụp X-quang ngực.
- Chụp CT.
- Xét nghiệm đờm.
- Nội soi phế quản, được dùng để quan sát đường thở trong phổi.
Phương pháp điều trị viêm phổi hiệu quả
Dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và loại viêm phổi mà bác sĩ sẽ có phương án điều trị khác nhau. Đối với vài trường hợp, viêm phổi có thể được điều trị tại nhà. Có hai phương án điều trị, bao gồm:
- Điều trị viêm phổi do vi khuẩn: tốt nhất bạn nên dùng kháng sinh.
- Điều trị viêm phổi do virus: một số loại thuốc kháng virus có thể giúp điều trị tình trạng này.
Ngoài việc điều trị từ nguyên nhân, người bệnh cần phải uống nhiều nước hoặc hít hơi nước nóng. Trong trường hợp không ăn được thì nên ăn thức ăn lỏng.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm phổi
- Nghỉ ngơi nhiều.
- Uống nhiều nước để tránh mất nước.
- Khi ho, bạn không nên kiềm chế cơn ho của mình vì đó là cách cơ thể tống xuất vi khuẩn. Nếu ho làm bạn khó chịu, mất ngủ về đêm, gây nôn, bạn nên uống thuốc giảm ho.
- Dùng acetaminophen (Tylenol®) hoặc aspirin có thể giảm sốt và làm cho bạn cảm thấy thoải mái hơn.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.