Mục lục
Vô sinh là gì?
Tìm hiểu chung
Vô sinh là gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vô sinh là trường hợp hai người chung sống và giao hợp thường xuyên 1 năm (không tránh thai) mà không thấy thụ thai, hoặc có thụ thai nhưng lần nào cũng sảy.
Có trường hợp vô sinh chỉ do cách sinh hoạt tình dục của hai vợ chồng (như tính ngày sai nên không giao hợp vào những ngày có khả năng thụ thai) song đa số là do nguyên nhân thực thể. Khoảng 40% các trường hợp vô sinh có nguyên nhân ở giới nam, 40% có nguyên nhân ở giới nữ, 20% là do cả hai bên. Do đó, nếu muốn điều trị vô sinh, cả hai vợ chồng cần đi khám để phát hiện nguyên nhân và điều trị.
Cần lưu ý phân biệt giữa vô sinh và hiếm muộn, trong khi hiếm muộn vẫn còn có khả năng sinh con (chỉ là xuất hiện lúc muộn mà thôi) thì vô sinh là mất khả năng sinh sản dù đang trong độ tuổi sinh sản tốt.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị vô sinh
Vô sinh có thể là nguyên phát, tức là từ trước đến giờ người phụ nữ hay người đàn ông chưa bao giờ có con, cũng có thể là thứ phát, tức là đã từng có con, nhưng sau mất đi khả năng đó.
- Vô sinh nguyên phát (vô sinh I): Hai vợ chồng chưa bao giờ có thai, sau đó không thể có thai dù đang sống với nhau trên một năm và không dùng biện pháp tránh thai nào khác.
- Vô sinh thứ phát (vô sinh II): Hai vợ chồng đã có con hoặc có thai, nhưng sau đó không thể có thai lại dù đang sống với nhau trên một năm và không dùng biện pháp tránh thai nào.
Dấu hiệu vô sinh ở phụ nữ thường thấy nhất là rối loạn kinh nguyệt:
- Rối loạn kinh nguyệt: chu kỳ kinh nguyệt không đều, quá nhiều hoặc quá ít, tắc kinh, đau bụng kinh…
- Đau khi quan hệ tình dục;
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, rối loạn viêm vùng chậu có thể gây tổn thương cơ quan sinh sản dẫn đến vô sinh;
- Khí hư có mùi hôi, xuất hiện nhiều, màu xanh hoặc nâu thì có thể bạn đã bị viêm nhiễm;
- Tiết dịch ở ngực: Nếu phụ nữ không cho con bú mà ngực tự tiết sữa có thể là do chức năng não không kiện toàn hoặc uống thuốc tránh thai, thuốc giảm huyết áp khiến dịch sữa tan chảy và tắc, gây vô sinh;
- Sảy thai: Gần 30% phụ nữ từng bị sảy thai hoặc sảy thai 3 lần liên tiếp có khả năng bị vô sinh hiếm muộn;
- Rối loạn nội tiết, căng thẳng quá mức.
Dấu hiệu vô sinh ở nam giới:
- Tinh dịch lẫn máu hoặc đau khi xuất tinh có thể là viêm tuyến tiền liệt hoặc nhiễm khuẩn túi tinh;
- Tổng số tinh dịch ít hơn 2ml là tinh dịch ít, dưới 1ml là quá ít gây nguy cơ vô sinh;
- Sau khi xuất tinh khoảng 30 phút mà tinh dịch không thay đổi hình dạng;
- Lượng tinh dịch trung bình từ 2-6ml, hơn 7ml dễ khiến tinh trùng ‘trôi’ ra ngoài, giảm lượng tinh trùng khi tiếp cận trứng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu sau thời gian 1 năm chung sống vợ chồng mà không áp dụng một biện pháp tránh thai nào nhưng vẫn không thấy có thai, cả hai vợ chồng nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để làm xét nghiệm sớm và điều trị. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến vô sinh
Vô sinh do nam giới:
- Bất thường tinh dịch: do tắc nghẽn hoặc do bất sản, giảm chất lượng tinh trùng (tinh trùng ít, yếu, dị dạng)..
- Bất thường giải phẫu: giãn tĩnh mạch thừng tinh, lỗ tiểu đóng thấp, đóng cao, tinh hoàn lạc chỗ.
- Rối loạn chức năng: giảm ham muốn, rối loạn cương dương, rối loạn phóng tinh, chứng giao hợp đau.
- Các nguyên nhân khác: chấn thương tinh hoàn, phẫu thuật niệu sinh dục, triệt sản nam, viêm nhiễm niệu sinh dục hay nguyên nhân di truyền.
Vô sinh do nữ giới:
- Bất thường phóng noãn: Vòng kinh không phóng noãn do ảnh hưởng của trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng.
- Nguyên nhân do vòi tử cung: Các bệnh lý có thể gây tổn thương vòi tử cung như viêm nhiễm đường sinh dục, bệnh lây qua đường tình dục, tiền sử phẫu thuật vùng chậu và vòi tử cung, lạc nội mạc tử cung ở vòi tử cung, bất thường bẩm sinh ở vòi tử cung hay do triệt sản.
- Nguyên nhân tại tử cung: U xơ tử cung, viêm dính buồng tử cung, bất thường bẩm sinh (dị dạng tử cung hai sừng, tử cung có vách ngăn, không có tử cung…).
- Nguyên nhân do cổ tử cung: chất nhầy kém, kháng thể kháng tinh trùng, tổn thương ở cổ tử cung do can thiệp thủ thuật (khoét chóp, đốt điện…), cổ tử cung ngắn.
- Nguyên nhân khác: Tâm lý tình dục, chứng giao hợp đau, các dị dạng bẩm sinh đường sinh dục dưới…
Khoảng 10% vô sinh không rõ nguyên nhân chính xác sau khi đã thăm khám và làm tất cả các xét nghiệm cần thiết để thăm dò và chẩn đoán.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ vô sinh?
Bệnh có thể xảy đến với cả vợ, chồng với 40% các trường hợp có nguyên nhân ở giới nam, 40% có nguyên nhân ở giới nữ, 20% là do cả hai bên. Cần lưu ý các yếu tố sau có thể tăng khả năng vô sinh:
- Tuổi: Khả năng sinh sản của phụ nữ bắt đầu giảm sau 32 tuổi, ở nam giới sinh sản giảm dần sau tuổi 40.
- Hút thuốc và nghiện rượu bia.
- Bị béo phì hoặc thừa cân.
- Rối loạn ăn uống.
- Quá lười vận động hoặc tập thể dục quá nhiều.
- Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Tiếp xúc với một số hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, kim loại (chì) và dung môi.
- Thần kinh căng thẳng: Nếu 1 trong 2 người bị căng thẳng trong khi giao hợp thì cơ hội thụ thai cũng giảm.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán vô sinh
Nguyên tắc khám vô sinh là khám cả hai vợ chồng, đảm bảo riêng tư, kín đáo. Bệnh nhân sẽ được tiến hành hỏi bệnh sử khám lâm sàng, bao gồm:
- Người vợ:
- Quan sát toàn thân và khám phụ khoa.
- Xét nghiệm nội tiết. Tiến hành các thử nghiệm nội tiết để đánh giá chức năng của vùng dưới đồi – tuyến yên hay buồng trứng qua đáp ứng của nội tiết tố.
- Thăm dò phóng noãn: Đo thân nhiệt cơ sở, chỉ số tử cung, sinh thiết nội mạc tử cung định ngày…
- Thử nghiệm sau giao hợp.
- Chẩn đoán hình ảnh: siêu âm phụ khoa, siêu âm theo dõi sự phát triển nang noãn, chụp phim tử cung vòi trứng, chụp tuyến yên bằng X-quang thường quy hoặc cắt lớp vi tính.
- Nội soi chẩn đoán và can thiệp.
- Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ phát hiện các bất thường di truyền.
- Người chồng:
- Quan sát toàn thân và tiền sử, hỏi bệnh sử liên quan đến viêm nhiễm sinh dục, khám bìu.
- Xét nghiệm tinh dịch.
- Siêu âm: Khảo sát bìu, tinh hoàn, thừng tinh qua siêu âm.
- Sinh thiết: Tinh hoàn, mào tinh, thừng tinh, tìm sự hiện diện của tinh trùng trong trường hợp mẫu tinh dịch vô tinh.
- Xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ để phát hiện các bất thường di truyền.
Phương pháp điều trị vô sinh hiệu quả
Điều trị vô sinh ở nam giới:
- Đếm tinh trùng: Tinh trùng được lấy bằng cách thủ dâm và sau đó xuất tinh vào lọ chứa sạch, gửi tới phòng khám của bác sỹ hoặc phòng xét nghiệm trong 1-2 giờ để xét nghiệm.
- Xét nghiệm sau giao hợp: Được thực hiện vài giờ sau khi vợ chồng giao hợp, thời điểm phụ nữ có khả năng thụ thai.
- Thụ tinh nhân tạo: Đưa tinh dịch của người đàn ông vào âm đạo của người phụ nữ bằng phương pháp nhân tạo (khác giao hợp), thường được sử dụng để thụ thai khi người chồng bị vô sinh. Sử dụng tinh trùng của người đàn ông có khả năng sinh sản khác. Nếu các cặp vợ chồng mà đàn ông có khả năng sinh sản nhưng gặp các vấn đề rắc rối như xuất tinh sớm hoặc do lượng tinh dịch, thì có thể giải quyết bằng thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người chồng.
Điều trị vô sinh ở nữ giới:
- Vật lý trị liệu: Điều trị khả năng sinh sản cho phụ nữ mà không có sự can thiệp sâu bên trong, giúp thông những khu vực bị dính.
- Dùng thuốc: Sử dụng các loại thuốc điều chỉnh các kích thích tố sinh sản và kích thích việc phát hành của trứng trong quá trình rụng trứng. Hầu hết các phụ nữ cần chờ đợi tới 6 chu kỳ kinh nguyệt nếu sử dụng biện pháp này.
- Phẫu thuật: Để sửa chữa các khuyết tật di truyền và loại bỏ các polyp, u nang, và tế bào bất thường khác.
- Thụ tinh nhân tạo: Tinh trùng sẽ được tiêm vào tử cung của người phụ nữ thông qua cổ tử cung, ống dẫn trứng với một ống thông.
- Thụ tinh trong ống nghiệm: Trứng được lấy ra từ buồng trứng và thụ tinh trong phòng thí nghiệm, sau đó được đặt trong tử cung để phát triển.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Phương pháp phòng ngừa hiệu quả
Phòng ngừa vô sinh ở nam giới:
- Không uống rượu, hút thuốc lá và sử dụng các chất chứa caffeine.
- Hạn chế tác hại của hóa chất như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…
- Có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi lành mạnh.
- Tăng cường bổ sung rau và thực phẩm sạch, nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả, súp lơ, cà rốt, đặc biệt là vitamin C, kẽm, vitamin B12…
- Kiểm soát cân nặng: Bệnh béo phì làm giảm lượng tinh trùng ở đàn ông và dẫn tới vô sinh.
- Tránh ngồi lâu trong nhiều giờ liền, tránh vận động quá sức nhưng duy trì tập thể dục thể thao điều độ, 5 lần/ tuần, mỗi lần khoảng 45 phút.
- Nên dùng sản phẩm giấy được làm trắng tự nhiên.
- Hạn chế sử dụng chất bôi trơn.
- Không mặc quần lót quá chật.
- Sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp.
Phòng ngừa vô sinh ở phụ nữ:
- Quan hệ tình dục lành mạnh: Chung thủy với bạn tình, sử dụng bao cao su để phòng tránh bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
- Hạn chế các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, nếu có cần trị tận gốc.
- Khám phụ khoa định kỳ để phát hiện sớm các bệnh dễ gây vô sinh.
- Bổ sung vitamin, đặc biệt là vitamin E trong cà chua, cà rốt, dừa,… để cải thiện chức năng của buồng trứng, giúp tăng khả năng sinh sản.
- Chị em cần từ bỏ ngay thói quen hút thuốc lá (nếu có), uống rượu hay thường xuyên thụt rửa âm đạo.
- Không nạo hút thai nhiều lần.
- Tránh căng thẳng quá mức làm suy giảm nội tiết tố sinh dục cũng như khả năng thụ thai.
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của vô sinh
Một chế độ ăn uống hợp lý của cả vợ và chồng sẽ góp phần quan trọng cho việc thụ thai thành công và ra đời một em bé khỏe mạnh. Tổ chức Y tế Thế giới đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống ngoài việc tăng cường sức khỏe còn góp phần đáng kể làm thay đổi sự mất cân bằng hormone.
- Hạn chế rượu bia và các chất caffeine.
- Loại bỏ lượng dư thừa của xenoestrogens (có trong thuốc trừ sâu và các ngành công nghiệp nhựa) bằng cách tiêu thụ những sản phẩm hữu cơ.
- Không hút thuốc lá.
- Có chế độ ăn uống khoa học, bổ sung vitamin C, vitamin B12, kẽm…
- Cần có chế độ nghỉ ngơi và hoạt động hợp lý, tránh căng thẳng.
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.