Mục lục
Xơ vữa động mạch là gì?
Tìm hiểu chung
Xơ vữa động mạch là gì?
Xơ vữa động mạch là những mảng xơ vữa tích tụ bên trong thành động mạch, các mảng xơ vữa này được tạo ra từ các chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác được tìm thấy trong máu. Theo thời gian, mảng xơ vữa cứng lại và làm hẹp động mạch, hạn chế dòng chảy của máu chứa oxy đến các cơ quan và các bộ phận khác trong cơ thể. Bệnh xơ vữa động mạch có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc thậm chí là tử vong.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của xơ vữa động mạch
Bệnh xơ vữa động mạch nhẹ thường không có dấu hiệu, các triệu chứng chỉ xuất hiện khi động mạch bị hẹp lại hoặc bị tắc khiến nó không thể cung cấp đủ máu đến các cơ quan và mô. Đôi khi, một khối máu đông có thể làm tắc hoàn toàn dòng máu hoặc làm chậm quá trình vận chuyển máu, gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.
- Mảng xơ vữa động mạch tim: Các triệu chứng bao gồm đau ngực, thắt ngực.
- Mảng xơ vữa động mạch não: Các dấu hiệu có thể xuất hiện bao gồm tê đột ngột, yếu ở tay hoặc chân, khó nói hoặc nói lắp, mất thị lực tạm thời ở một mắt hoặc cơ mặt bị rủ xuống. Những dấu hiệu của cơn thiếu máu thoáng qua, nếu không được điều trị, có thể diễn tiến thành một cơn đột quỵ.
- Mảng xơ vữa động mạch ở động mạch cánh tay và chân: Bạn có thể có các triệu chứng của bệnh động mạch ngoại vi như đau chân khi đi bộ.
- Mảng xơ vữa ở động mạch thận: Bạn sẽ bị cao huyết áp hoặc suy thận.
Biến chứng có thể gặp của xơ vữa động mạch
Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm bao gồm:
- Nhồi máu cơ tim.
- Đột quỵ, tử vong.
- Hoại tử bàn chân, ngón chân.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Mỗi người có một cơ địa khác nhau, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là do sự tích tụ mảng xơ vữa và xơ cứng động mạch làm hạn chế dòng chảy của máu trong động mạch, khiến cho các cơ quan và các mô trong cơ thể bị thiếu oxy để hoạt động.
Nguyên nhân gây ra các mảng xơ cứng là do:
- Cholesterol cao.
- Chất béo tích tụ nhiều trong cơ thể.
- Lớn tuổi.
- Hút thuốc lá.
- Kháng insulin, béo phì hay tiểu đường.
- Tình trạng viêm như viêm khớp, lupus, nhiễm trùng hoặc viêm không rõ nguyên nhân.
Nguy cơ mắc phải
Những ai có nguy cơ xơ vữa động mạch?
Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch càng cao.
Ở nam giới, nguy cơ mắc bệnh gia tăng sau tuổi 45.
Ở nữ giới, nguy cơ cao mắc bệnh tăng lên sau tuổi 55.
Các yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Gia đình từng có người mắc bệnh.
- Huyết áp cao.
- Cholesterol cao.
- Tiểu đường.
- Béo phì.
- Hút thuốc lá.
- Tiền sử bị bệnh tim sớm.
- Thiếu tập thể dục.
- Chế độ ăn không lành mạnh.
Điều trị hiệu quả
Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán xơ vữa động mạch
Bác sĩ chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu bao gồm:
- Mạch yếu hoặc mất mạch ở dưới khu vực của động mạch bị hẹp.
- Giảm huyết áp ở bên chi bị tổn thương.
- Phát hiện âm thổi ở động mạch bằng ống nghe.
Hoặc thông qua các xét nghiệm như:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm cholesterol và lượng đường trong máu, nếu cả hai lại này đều cao thì khả năng xơ vữa động mạch sẽ cao hơn.
- Siêu âm Doppler: Dùng để đo các điểm khác nhau trên các chi, nhằm biết được tốc độ lưu thông của dòng máu cũng như mức độ tắc nghẽn.
- Chỉ số cánh tay – mắt cá chân: So sánh huyết áp ở mắt cá chân và cánh tay, nếu có điểm khác biệt bất thường có thể kết luận bị bệnh mạch máu ngoại vi do xơ vữa động mạch.
- Điện tâm đồ: Có thể phát hiện ra những bằng chứng về cơn đau tim khi người bệnh cố vận động quá sức.
- Thử nghiệm gắng sức: Trong khi gắng sức, tim sẽ tăng cường hoạt động hơn bình thường, thử nghiệm này giúp phát hiện các vấn đề của tim mà bình thường không thể thấy được.
- Thông tim và chụp mạch máu: Dùng tiêm để đưa chất cản quang vào động mạch ở tim, giúp bác sĩ nhìn thấy những vùng động mạch bị tắc nghẽn trên hình chụp X – quang.
- Chẩn đoán bằng hình ảnh khác: Các xét nghiệm như siêu âm, chụp MRI có thể cho thấy động mạch hẹp, phình và cứng hoặc lắng động canxi ở thành động mạch.
Phương pháp điều trị xơ vữa động mạch hiệu quả
Các phương pháp điều trị bao gồm:
Dùng thuốc để ngăn ngừa xơ vữa động mạch xấu đi:
- Thuốc giảm cholesterol bao gồm statin và các dẫn xuất của axit fibric.
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc kháng đông như aspirin để ngăn chặn huyết khối và làm tắc nghẽn động mạch.
- Thuốc ức chế beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi để làm giảm huyết áp.
- Thuốc lợi tiểu để giúp giảm huyết áp.
- Thuốc ức chế men chuyển giúp ngăn ngừa hẹp động mạch.
Phẫu thuật:
- Phẫu thuật bắc cầu: bắc một tĩnh mạch khác (hoặc một ống tổng hợp) để chuyển máu từ những nơi khác đến động mạch bị nghẽn.
- Tiêu sợi huyết: Làm tan các khối máu đông bằng cách tiêm thuốc vào động mạch bị xơ vữa.
- Nong mạch: Mở rộng động mạch bằng một quả bóng hoặc ống thông được đưa từ bên ngoài vào.
- Cắt bỏ nội mạc động mạch: Phẫu thuật loại bỏ chất béo lắng động ở thành mạch làm tắc động mạch.
- Nạo mảng xơ vữa: Sử dụng ống thông với lưỡi dao để cạo bỏ các mảng bám xơ vữa trong động mạch.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của xơ vữa động mạch
- Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
- Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
- Thăm khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh ít chất béo bão hòa và cholesterol.
- Tránh thực phẩm giàu chất béo.
- Thêm cá vào chế độ ăn uống hai lần mỗi tuần.
- Tập thể dục trong vòng 30-60 phút mỗi ngày, sáu ngày mỗi tuần.
- Bỏ thuốc lá nếu bạn có thói quen hút thuốc.
- Giảm cân nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì.
- Kiểm soát căng thẳng.
- Điều trị các bệnh liên quan đến xơ vữa động mạch, chẳng hạn như cao huyết áp, cholesterol cao và tiểu đường.
- Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.